Đấng sáng lập




Cha Vinh-sơn Lebbe sinh năm 1877 tại Ghent, nước Bỉ. Ngay từ buổi thiếu thời, Ngài đã mơ ước trở thành một nhà truyền giáo ở Trung Hoa. Năm mười tám tuổi, Ngài nhập dòng thánh Vinh-sơn. Đến năm 1901, giấc mơ của Ngài đã trở thành hiện thực khi Đức Cha Favier cho Ngài tháp tùng sang Trung Quốc. Để dễ hòa nhập với dân địa phương, Ngài đổi tên thành Lôi Minh Viễn (nghĩa là "tiếng sấm vang dội miền xa"), một tên đầy tính tượng trưng. Một năm sau, Ngài thụ phong Linh Mục tại Bắc Kinh và bắt đầu triển khai công việc truyền giáo tại khu vực Bình Tân. Ngài đối xử rất chân thành và có nhiều cảm tình với dân địa phương, hoàn toàn đồng hóa với họ về lối sống và văn hóa. Ngài lập ra tờ "Ích Thế Báo" - tờ nhật báo công giáo đầu tiên tại Trung Quốc. Ngài còn vận động các phong trào công giáo tiến hành và nhất mực chủ trương thành lập Giáo Hội Địa Phương cho Trung Quốc.
Năm 1920, Cha Lebbe sang Châu Âu phục vụ các du học sinh Trung Quốc. Công việc phát triển rất tốt đẹp, có đến trên 500 sinh viên du học nhận được sự giúp đỡ của Ngài. Năm 1926, Ngài đích thân tham dự thánh lễ thụ phong của sáu Giám Mục Trung Quốc đầu tiên tại Rôma, thỏa mãn ước nguyện được phục vụ dưới quyền các vị Chủ Chăn người bản xứ. Năm 1927, sau khi về lại Trung Quốc, Cha Lebbe ra sức hoán cải người Trung Hoa. Ngài thành lập bốn đoàn thể: Hội Phụ Tá Truyền Giáo, Hội Nữ Trợ Tá Truyền Giáo Quốc Tế, Hội Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả và Hội Dòng Tiểu Muội Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Trong thời kỳ Trung Quốc kháng chiến chống Nhật, Cha Lebbe dẫn đầu một đội cứu thương ra tiền tuyến phục vụ thương binh, được chính phủ hết lời khen ngợi. Ngày 24 tháng 6 năm 1940, ngày lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Cha Lebbe qua đời tại Trọng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, giữa bao thương tiếc của mọi người. Chính phủ Trung Hoa ra lệnh treo cờ rũ trong toàn quốc và tặng cho Cha Lebbe danh hiệu "Liệt sĩ trung thành của Đất nước". Cha Lebbe trở thành vị thừa sai đầu tiên được toàn dân Trung Quốc ngưỡng mộ như một vị anh hùng dân tộc.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết về Cha Lebbe trong tác phẩm "Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng"(trang 300-303) của Ngài như sau:

Hóa nên người Trung Hoa để chinh phục người Trung Hoa

Tuy là người Bỉ, cha Vincent Lebbe (1877-1940) đã tình nguyện dấn thân sang truyền giáo ở Trung Quốc. Suốt bao năm ngày, ngài luôn miệt mài thao thức, suy tư và cầu nguyện trước vấn đề khó khăn: Làm sao để dấn thân truyền giáo và phục vụ xã hội Trung Hoa cho đắc lực. Thế rồi, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa, câu trả lời đã đến với cha: muốn đến với người Trung Hoa phải trở nên người Trung Hoa thực sự.

Cha Vincent Lebbe đã triệt để dấn thân theo đường hướng ấy, từ lối cắt tóc, để râu, ăn mặc cho đến cách suy tư, cử hành phụng vụ, giảng dạy giáo lý (ngài xin nhập tịch Trung Hoa và lấy tên là Lôi Minh Viễn), tất cả đều nhắm một mục đích là làm sao để vừa phù hợp với tâm hồn người Trung Hoa, vừa bảo tồn căn nguyên bản chất Kitô giáo. Và trong tinh thần ấy, ngài đã thành lập một Hội Dòng lấy tên "Anh em hèn mọn của Thánh Gioan Tẩy Giả" để vận dụng cách sáng tạo nếp sống khổ tu vào hoàn cảnh cụ thể của xã hội và tâm hồn người Trung Hoa và áp dụng nguyên tắc truyền giáo của ngài.
Tại nước Bỉ quê hương ngài cũng có rất nhiều người sùng mộ tinh thần ấy. Họ đã lập nên một Tu hội Truyền giáo cho các linh mục viết tắt là S.S.H, tạm dịch là "Hội trợ tá của các xứ truyền giáo". Họ cũng lập thêm một Tu hội cho nữ giới viết tắt là A.F.I (Nữ trợ tá quốc tế).
Tinh thần cốt yếu của cha Lebbe là gì?
Đó là không đi theo phương pháp bấy lâu: đến một quốc gia, nhận trách nhiệm coi sóc một giáo phận hoặc một giáo xứ, đứng đầu hàng giáo sĩ địa phương... mà là theo một phương pháp mới: đến một quốc gia, một giáo phận do hàng giáo phẩm bản xứ quản trị và làm những người trợ tá phục vụ dưới quyền họ, cho dù họ kém khả năng hơn mình. Đối với những năm đầu của thế kỷ XX, chủ trương trên thật là mới mẻ, độc đáo, có tính chất cách mạng. Vì trước đây, tại các xứ truyền giáo, hầu như chẳng có một vị Giám mục bản xứ nào, huống nữa là sự kiện các linh mục thừa sai đi làm trợ tá cho hàng giáo sĩ bản xứ. Quả là táo bạo !
Và còn táo bạo hơn nữa là sự việc sau đây: Trong một chuyến trở về công tác ở Âu châu, cha Lebbe đã sang Roma xin yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI, vị Giáo Hoàng được mệnh danh là "Giáo hoàng của Công giáo Tiến hành" và "Giáo Hoàng của truyền giáo". Trong buổi triều yết, ngài đã trình bày với Đức Piô XI:
- Xin Đức Thánh Cha đặt các Giám mục bản xứ cho người Trung quốc.
Đức Thánh Cha vui vẻ trả lời:
- Đó là điều cha rất mong muốn. Con thấy hàng Giáo phẩm Trung quốc hiện nay có đủ khả năng nhận trách nhiệm lãnh đạo các giáo phận không ?
- Thưa Đức Thánh Cha, con tin chắc là có. Với ơn Chúa, họ sẽ chu toàn tốt trách nhiệm... Con thấy Toà Thánh cần trao trách nhiệm cho hàng giáo sĩ bản xứ càng sớm càng tốt.
Đức Thánh Cha hỏi ngay:
- Con có biết rõ linh mục Trung quốc nào xứng đáng được tấn phong làm Giám mục không ?
- Thưa Đức Thánh Cha có !
- Biên tên cho cha ngay đi.
Cha Lebbe liền lấy giấy bút ra, viết ngay liền một danh sách gồm tên 10 linh mục Trung quốc và đệ trình lên Đức Thánh Cha.
-Tốt lắm ! Cha sẽ xúc tiến ngay việc này.
Thật là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Cha Lebbe ra về, tâm hồn cảm động hân hoan. Đức Piô XI quả là một vị Giáo Hoàng đầy nhiệt tình và sáng suốt !
Ngày lễ Chúa Kitô Vua, 28.10.1926, chính Đức Piô XI chủ sự phong chức cho 6 Giám mục Trung quốc đầu tiên tại đền thờ Thánh Phêrô, trong số đó hầu hết đều nằm trong danh sách của cha Lebbe đề nghị. Lúc ấy tại một góc đền thờ, người ta thấy ngài quỳ gối âm thầm cảm tạ Chúa, vì đã cho ngài chứng kiến tận mắt điều ngài mong ước bấy lâu nay. Sau Thánh lễ, Đức Piô XI tiếp các Tân Giám mục Trung quốc tại phòng khách, tặng cho mỗi vị một chiếc đồng hồ quả lắc và truyền cho các ngài trước khi về nước, hãy đi khắp Âu châu để cho mọi người thấy được hàng Giám mục bản xứ. Thế rồi, tiếp sau các Giám mục Trung quốc, ngày 30.10.1928, Đức Piô XI cũng tự tay phong chức cho vị Giám mục Nhật Bản tiên khởi địa phận Nagasaki, rồi các Giám mục Ấn Độ, Indonêsia... Ngày 11.6.1933, cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cũng được chính tay Đức Piô XI tấn phong làm Giám mục Việt Nam tiên khởi.
Sau những tháng năm dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã nằm xuống (1940). Dân tộc Trung quốc coi ngài như một vị anh hùng quốc gia. Hội Thánh coi ngài như vị tiền phong của những công cuộc truyền giáo hiện đại. Thân xác ngài được chôn vùi ngay tại lòng đất Trung Hoa, để lại tấm gương sáng cho kitô hữu thuộc đủ mọi thời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét